Mẫu giò lụa nghi gây ngộ độc botulinum có kết quả xét nghiệm âm tính
Các mẫu giò lụa được lấy tại nhà các bệnh nhân bị ngộ độc botulinum và tại nơi sản xuất ở TP Thủ Đức đều cho kết quả xét nghiệm âm tính.
Một bệnh nhân ngộ độc botulinum đang được điều trị - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Trao đổi với Tuổi Trẻ Onlinetối 25-5, bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - cho biết kết quả xét nghiệm mẫu giò lụa nghi gây ngộ độc cho năm ca bệnh tại TP Thủ Đức là âm tính với độc tốbotulinum.
Cụ thể, cả hai mẫugiò lụađược thu lại từ nhà các bệnh nhân và cơ sở sản xuất giò lụa “chui” ở phường Trường Thọ (TP Thủ Đức) đều cho kết quả âm tính với độc tố botulinum.
“Hiện vẫn chưa xác định được vì sao, nguồn nào gây ngộ độc botulinum cho các bệnh nhân”, bà Lan nói thêm.
Bà Phong Lan khuyến cáo người dân cần thực hiện kỹ "ăn chín uống sôi", lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để tránh ngộ độc botulinum.
Trước đó, như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, ngày 13-5, ba người gồm hai anh em ruột (18 tuổi và 26 tuổi) ăn bánh mì kẹp chả lụa của người bán dạo và một người đàn ông 45 tuổi đã ăn một loại mắm để lâu ngày.
Sau khi ăn xong, đến ngày 14-5, cả ba đều có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu, choáng váng, tiêu chảy… Các bệnh nhân tiến triển nặng hơn dẫn đến yếu cơ, khó nuốt và được chẩn đoán ngộ độc botulinum.
Hiện hai anh em ruột đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Người đàn ông 45 tuổi điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tử vong.
Cũng khoảng 9h ngày 13-5, gia đình bốn người (ngụ TP Thủ Đức) gồm một người dì cùng ba anh em ruột là N.V.H. (14 tuổi), N.V.Đ. (13 tuổi) và N.T.X. (10 tuổi) mua chả lụa từ người bán dạo để ăn với bánh mì.
Đến ngày 14-5, cả ba anh em được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu trong tình trạng mệt lả và được chẩn đoán ngộ độc botulinum.
Chỉ trong vòng một ngày sau cuộc làm việc khẩn trương của Bộ Y tế với WHO, sáu lọ thuốc BAT nhanh chóng được chuyển từ Thụy Sĩ về sân bay Tân Sơn Nhất lúc 19h ngày 24-5. Và chỉ ba giờ sau, các bệnh viện hoàn tất thủ tục giao nhận.
Trong sáu lọ thuốc này, Bệnh viện Chợ Rẫy được nhận hai lọ, Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhận một lọ, còn ba lọ được chuyển cho Bệnh viện Nhi đồng 2 - nơi đang điều trị ba anh em ruột bị ngộ độc botulinum do ăn bánh mì kẹp chả lụa đầu tiên tại TP Thủ Đức.
Tuy nhiên, bệnh nhân nam 45 tuổi được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định tử vong do bị biến chứng nặng và quá thời gian chỉ định dùng thuốc.
Ngoài trường hợp tử vong này, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, cả hai trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đều không thể dùngthuốc giải độc. Bởi từ khi ngộ độc cho đến hôm nay là 10 ngày, quá muộn so với "thời gian vàng" chỉ định sử dụng thuốc giải độc.
By: Nguồn tuoitre.vn