Bài thuốc chữa bệnh từ cây dưa chuột
Dưa chuột đã trở thành một thứ rau thông dụng được ưa chuộng, có thể ăn sống hoặc chế biến. Ngoài dùng làm thức ăn, dưa chuột còn có thể sử dụng làm thuốc chữa bệnh.
Trong Ẩm thực liệu pháp của Đông y, dưa chuột có tác dụng làm mát cơ thể, chữa trị những bệnh có tính nhiệt, giúp đào thải các chất độc ra ngoài cơ thể.
1. Tác dụng dược lý và công dụng của dưa chuột
Theo kết quả nghiên cứu hiện đại, dưa chuột có thành phần dinh dưỡng rất phong phú. Mỗi quả dưa chuột có 0,8% protid, 3% gluxid, 23mg% canxi, 27mg% P, sắt, mangan, iot và thiamin. Dưa chuột còn chứa vitamin A (caroten), vitamin B1, vitamin B2, vitamin PP và vitamin C 5mg...
Kết quả nghiên cứu dược lý còn cho thấy: Ở gần cuống và trong vỏ dưa chuột, có một loại hoạt chất vị đắng, thực nghiệm cho thấy có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Trong trái dưa chuột tươi có chứa một số propanol và alcohol, có tác dụng ức chế sự chuyển hóa các chất đường kép thành chất mỡ. Trong dưa chuột còn có nhiều chất xơ, có tác dụng tăng nhu động dạ dày và ruột, đẩy nhanh tốc độ đào thải chất cặn bã ra khỏi cơ thể và hạ cholesterol. Do đó, thường xuyên ăn dưa chuột có thể giảm béo.
Trong quả dưa chuột tươi còn chứa một số loại men (enzym) hoạt tính sinh lý cao, có tác dụng xúc tiến quá trình trao đổi chất, nước ép dưa chuột có tác dụng giúp da tươi nhuận, làm sáng da nên dưa chuột còn được sử dụng chữa bệnh về da.
Tác dụng chữa bệnh của dưa chuột, được ghi lại sớm nhất trong sách "Bản thảo thập di", do danh y Trần Tàng Khí thời nhà Đường (Trung Quốc):
- Quả dưa chuột: Vị ngọt, tính mát; vào 3 kinh tỳ, vị và đại tràng, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thủy, giải độc. Thường sử dụng để chữa các chứng phiền khát, yết hầu sưng đau, đau mắt đỏ, lỵ tật (hội chứng lỵ), thủy thũng.- Lá cây dưa chuột: Vị đắng, tính bình, hơi có độc, có tác dụng chữa phúc tả (đau bụng tiêu chảy), hội chứng lỵ.-Thân (tức dây dưa chuột): Vị nhạt, tính bình, không độc, có tác dụng chữa lỵ tật, lâm bệnh (tiểu nhỏ giọt, đau buốt) và hoàng thủy sang (mưng mủ lở loét chảy nước vàng).- Rễ cây dưa chuột: Có vị đắng ngọt, tính mát, có tác dụng chữa phúc tả và lỵ tật như lá.2. Các phương thuốc chữa bệnh từ cây dưa chuột- Trị đau bụng tiêu chảy: Lá dưa chuột phơi khô, nghiền thành bột mịn, ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g; hoặc dùng lá dưa chuột tươi cắt nhỏ, trộn với giấm, sau 2 giờ chiết lấy nước giấm, cho trứng gà vào luộc chín ăn.- Chữa lỵ tật (hội chứng lỵ): Lá dưa chuột tươi 90g (hoặc dây dưa chuột khô 30g), thêm 500ml nước, sắc còn 250ml; chia 2 lần uống trong ngày.- Chữa hoàng đản (vàng da), chân tay phù: Vỏ quả dưa chuột già 50g, sắc với 400ml nước, còn 200ml; chia 2 lần uống trong ngày, liên tục cho tới khi khỏi.- Hạ huyết áp: Dây dưa chuột 100g, cắt nhỏ, sắc lấy nước đặc, chia 2 lần uống trong ngày; hoặc hãm nước sôi uống thay trà.- Chữa bệnh bạch điến, lang ben: Quả dưa chuột tươi, giã nát, vắt lấy nước, trộn thêm 5g bột bằng sa (borax), bôi vào chỗ da bị bệnh, ngày 3 lần; hoặc lấy 1 quả dưa chuột tươi, khoét bỏ hột, cho 5g bằng sa vào trong, giã nhuyễn, vắt lấy nước, bôi vào nơi bị bệnh.- Chữa bỏng nhẹ: Dưa chuột tươi, giã nát, lấy nước cốt bôi vào nơi bị bỏng; hoặc hái 3 quả dưa chuột, cho vào 1 cái bình, chát kín, để ngoài hiên, sau một thời gian sẽ thấy có chất dịch tiết ra; khi bị bỏng, lấy dịch dưa chuột từ trong bình bôi lên chỗ bị bỏng (theo sách Nam dược thần hiệu).
- Ứng phó với viêm da do cháy nắng: Dưa chuột thái lát, xát nhẹ nhiều lần vào những chỗ da bị cháy nắng.- Ứng phó với da mẩn đỏ: Dùng nước ép dưa chuột, bôi nhiều lần lên những chỗ mẩn đỏ.- Chữa nẻ môi: Dùng miếng dưa chuột tươi, xát nhè nhẹ nhiều lần lên chỗ môi bị nẻ.- Làm trắng da và phòng ngừa nếp nhăn: Dưa chuột tươi giã nhuyễn, trát đều lên toàn bộ da mặt, mỗi tuần 2 lần, mỗi lần 15 phút.- Chống khô da, giúp da trơn nhuận: + Cách 1: Dưa chuột nghiền mịn, vắt lấy nước cốt, thêm vài giọt nước chanh và 2 thìa bột mì vào trộn đều, đắp đều lên da mặt, khoảng 10-20 phút sau rửa sạch.+ Cách 2: Dùng dưa chuột tươi, gọt bỏ vỏ, thái lát hoặc ép lấy nước cốt; ngâm hoặc hòa với sữa bò nóng theo tỷ lệ 1:10 (1 phần dưa chuột, 10 phần sữa); chờ nguội, lấy sữa xoa đều lên da mặt, ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối.+ Cách 3: Sáp ong 15g, đun nóng chảy, cho thêm 60g dầu hạnh nhân; sau đó lấy 1 quả dưa chuột, gọt vỏ, thái lát mỏng, giã thật nhuyễn, cho vào bình đựng sáp và dầu hạnh nhân; hâm nóng lên một chút, chờ nguội thì quấy cho sủi bọt, sẽ được một loại kem chống nhăn; xoa kem lên da mặt, cổ, người, chân tay, sau 30 phút thì rửa sạch.- Món ăn thuốc chữa mụn trứng cá, viêm datiết bã và viêm nang lông: Dưa chuột 150g, thịt cá trắm 250g, gia vị lượng thích hợp; cá trắm làm sạch, dưa chuột bỏ hạt, cả 2 đều thái lát, xào lên ăn.- Chữa cảm nóng, rối loạn tiêu hóakèm theo nôn mửa, tiêu chảy, tiểu tiện sẻn đỏ, miệng khô khát, họng sưng đau: Dưa chuột non 300g, gạo tẻ 100g, gừng tươi 10g, gia vị lượng thích hợp.
Dưa chuột gọt vỏ và bỏ ruột, rửa sạch, thái lát mỏng; gạo vo sạch; gừng rửa sạch, giã nát; cho gạo và gừng vào nồi, thêm nước vùa đủ, nấu to lửa cho sôi, đun nhỏ lửa cho sôi lăn tăn đến khi gạo chín nhừ, cho dưa chuột vào, tiếp tục nấu cho tới khi cháo đặc lại, cho gia vị vào là được; chia 2 lần ăn trong ngày.
- Chữa táo bón, nóng trong: Dưa chuột 250g, đậu phụ 200g. Dưa chuột rửa sạch thái lát, đậu phụ thái nhỏ, nấu thành món canh ăn; hoặc sắc lấy nước (bỏ bã), uống trong ngày; có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân, nhuận táo (có thể sử dụng để chữa trẻ nhỏ suy dinh dưỡng thể chất nhiệt, khát nước, tiểu tiện liên tục).
Do dưa chuột cũng là một loại thuốc, nên khi sử dụng để chữa bệnh, cũng cần tuân theo những nguyên tắc như các vị thuốc trong Đông y. Những người có thể tạng thuộc tỳ vị hư hàn, không nên sử dụng dưa chuột sống.
Dinh dưỡng học hiện đại còn cho rằng, dưa chuột sống ăn khó tiêu và những người dạ dày dễ mẫn cảm không nên dùng.
Một số sách thuốc cổ còn nhận định, người thận dương hư ăn nhiều dưa chuột thì sinh ra tiểu tiện nhiều lần hoặc tiểu không tự chủ và có thể dẫn tới rối loạn cương dương.
By: Nguồn thoidaiplus.suckhoedoisong.vn