Hòn đảo kỳ lạ cứ 6 tháng lại đổi 'quốc tịch' một lần
Cách sông Bidasoa khoảng 6km, gần biên giới Pháp – Tây Ban Nha, Pheasant là một hòn đảo nhỏ hoang vắng nhưng lại có lịch sử và vị trí địa lý đặc biệt.
Đây là nơi đại diện từ Pháp và Tây Ban Nha gặp gỡ và ký kết hiệp ước Pyrenees, chính thức kết thúc cuộc chiến 30 năm. Hiệp ước cũng vạch ra biên giới mới: chạy dọc dãy Pyrenees, theo sông Bidasoa tới vịnh Biscay, tạo thành đường biên giới tự nhiên giữa hai nước.
Như các trường hợp thông thường, biên giới chạy theo sông thường được vạch theo chính giữa dòng nước. Về lý thuyết, đường biên sẽ chạy qua đảo Pheasant, chia hòn đảo rộng 6.820 mét vuông này thành hai nửa, mỗi nửa do một nước quản lý. Tuy nhiên, Hiệp ước Pyrenees đã quy định hòn đảo trở thành một “condominium” hay "vùng đất chung".
Trước chiến tranh và hiệp ước, đảo Pheasant là vùng đất không xác định chủ quyền. Với vai trò trung lập, đây được chọn là địa điểm gặp mặt giữa hoàng gia Pháp và Tây Ban Nha và cũng là nơi trao đổi tù binh. Do đó, nhiều sự kiện lịch sử quan trọng đã diễn ra ở đây. Tại đây, Vua Louis XIII (Pháp) đã gặp người vợ tương lai Ana (Công chúa Tây Ban Nha). Sau đó, Vua Louis XIV gặp Maria Theresa của Tây Ban Nha. Nhiều cuộc gặp mặt hôn phối khác cũng đã diễn ra trên đảo theo thời gian.
Kể từ khi thỏa thuận đình chiến được ký kết vào năm 1660, đảo Pheasant trước tiên thuộc về lãnh thổ Tây Ban Nha từ ngày 01/02 đến ngày 31/07 hàng năm, sau đó là thuộc về Pháp trong nửa năm còn lại.
Du khách chỉ được phép lên đảo và tham quan trong những dịp hiếm hoi, chẳng hạn như lễ bàn giao quyền sở hữu hai năm một lần hoặc trong các chuyến tham quan di sản.
Bộ Tư lệnh Hải quân của cả Tây Ban Nha và Pháp chịu trách nhiệm giám sát đảo Pheasant, lần lượt thay phiên nhau trực đảo mỗi 5 ngày/lần.
By: Nguồn vietnamnet.vn