Thực hư thông tin người Việt trong nhà máy Trung Quốc ở Serbia bị đánh đập
Các phương tiện truyền thông gần đây đã đưa tin về việc công nhân Việt Nam tại một nhà máy do Trung Quốc điều hành ở Serbia bị giam giữ, đánh đập. Bộ Ngoại Việt Nam đã lên tiếng về việc này.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 18/11, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Chúng tôi cũng vừa liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani kiêm nhiệm Serbia. Đại sứ quán cho biết đã có được thông tin từ một số báo chí của Serbia và hiện nay đang nỗ lực để xác minh".
Bà Hằng thông tin, trước hết Đại sứ quán liên hệ với các công nhân tại Serbia, các công ty phái cử lao động và các cơ quan liên quan sở tại.
"Thông tin bước đầu của Đại sứ quán cho biết là không có chuyện hành hung hay là đánh đập. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán tiếp tục nắm thông tin, nắm tình hình, liên hệ với các cơ quan chức năng của nước sở tại để có thể xác minh và có các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam, của lao động Việt Nam, bảo đảm an toàn cho người lao động Việt Nam tại Serbia" - bà Hằng cho hay.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại cuộc họp báo chiều 18/11 (Ảnh: Minh Nhật).
Cũng liên quan đến tình hình công dân Việt Nam ở nước ngoài, đầu tháng 11/2021, báo cáo của một nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc nêu hiện tượng một số phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam bị chủ lao động đánh đập và lạm dụng sau khi được tuyển dụng sang Ả Rập Xê út làm người giúp việc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, Việt Nam luôn ưu tiên thúc đẩy bình đẳng giới, thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện để phụ nữ cũng như nam giới tham gia thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Việt Nam cũng thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo vệ lao động nữ, chống bạo hành và quấy rối tình dục tại nơi làm việc, phòng ngừa lao động trẻ em thông qua việc ban hành hệ thống luật pháp và chính sách liên quan. Việt Nam cũng đã gia nhập Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế, bao gồm 7/8 công ước cơ bản, trong đó có phòng chống, phân biệt đối xử lao động trẻ em và lao động cưỡng bức.
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em. Việt Nam thường xuyên trao đổi với các cơ quan chức năng sở tại, các công ty quản lý và sử dụng lao động, giữ liên lạc với người Việt Nam ở sở tại nhằm tạo thuận lợi cho công dân sinh sống, làm việc tại nước ngoài; đồng thời sẵn sàng thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, đặc biệt là lao động nữ và trẻ em trong trường hợp cần thiết.
"Trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Ả rập Xê út cũng nhận được một số phản ánh về tình hình người lao động Việt Nam tại đây. Ngay sau khi nhận được thông tin, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Ả rập Xê út đã liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin, yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc theo đúng quy định của pháp luật" - bà Hằng nhấn mạnh.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán và Ban quản lý lao động Việt Nam tại Ả rập Xê út cũng phối hợp với các công ty phái cử lao động của các lao động và tìm các biện pháp giải quyết dứt điểm các tranh chấp với chủ sử dụng lao động, bảo vệ an toàn và quyền lợi của công dân Việt Nam.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thời gian qua rất phức tạp, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Ả rập Xê út đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phối hợp với các cơ quan chức năng, các hãng hàng không tổ chức nhiều chuyến bay, đến nay đã đưa gần 800 công dân Việt Nam về nước an toàn.
"Các cơ quan chức năng Việt Nam đang tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng sở tại tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam có nhu cầu, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước, phù hợp với nguyện vọng của công dân cũng như phù hợp với diễn biến dịch bệnh trên thế giới và năng lực cách ly của Việt Nam" - bà Hằng cho biết thêm.
By: dantri.com.vn