Sân khấu thử nghiệm – chồi xanh lộc biếc
Sau hai năm đại dịch, sân khấu một trong những ngành nghệ thuật gần như bị đẩy vào trạng thái ngủ đông cho đến năm nay khi COVID bị đầy lui. Như một sự dồn toa, làng sân khấu bừng tỉnh giấc với hàng loạt Liên hoan- Hội diễn của hầu khắp các loại hình sân khấu giống hệt hình ảnh của hoa nở rộ khi xuân đến được tổ chức như để thỏa nỗi nhớ mong sân khấu bị kìm hãm sau hai năm dịch giã.
Mở đầu là Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ V tại Hà Nội đúng tuần người dân Hà Nội và cả nước kỉ niệm lần thứ 68 ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 với 13 vở diễn, trong đó Liên hoan Thủ đô kì thứ V này vẫn như nhiều kì Liên hoan sân khấu Thủ đô trước đây là sự thiếu vắng các vở diễn mang đề tài hiện đại về con người, cuộc sống Hà Nội hôm nay. Tiếp liền là Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc năm 2022 diễn ra ở Hà Nam với 27 vở diễn đề tài khá phong phú trong đó nổi lên vở diễn xuất sắc về biển đảo. Kế theo là Liên hoan sân khấu cải lương tại Long An. Cuối cùng là Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ V ở Hà Nội diễn ra gần như xen canh với thời gian diễn ra Liên hoan sân khấu cải lương.
Một Cảnh trong vở "Sea Storier" - Đoàn Ba Lan.
Muốn nói gì thì nói cũng cần nhận ra một thực tế buồn của làng sân khấu nước ta hơn ba thập niên nay là sự cầm cự để tồn tại của các Nhà hát, các đoàn, sự quay lưng của khán giả trước các đêm diễn. Nguyên nhân sâu xa của hiện trạng này là bên cạnh việc các vở diễn né tránh những đề tài trung tâm, nóng bỏng của xã hội thì về hình thức thể hiện của sân khấu nước ta quá cũ với những lối mòn đã thành nếp. NSND Lê Huy Quang trong đoàn công tác của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (HNSSKVN) sau khi đi tham dự một số Liên hoan sân khấu nước ngoài về cho biết "Sân khấu nước ta về hình thức đi chậm hơn sân khấu các nước tiên tiến chí ít là 200 năm".
Chính vì để khắc phục tình trạng cũ mòn, mau chóng đưa sân khấu nước ta đổi mới đặng tiến kịp và hòa nhập với sân khấu thế giới nên HNSSKVN đã có chủ trương đi tìm cách thể nghiệm mới thông qua những thử nghiệm bao gồm việc khuyến khích sự cách tân trong sân khấu, mở trại sáng tác thử nghiệm cùng Liên hoan quốc tế thử nghiệm. Việc theo định kì cứ ba năm HNSSKVN kết hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch mở Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm (LHQTSKTN) là một trong những động thái trọng tâm để thực hiện chủ trương đổi mới sân khấu nước ta.
Nhìn về tổng thể LHQTSKTN lần thứ V này vẫn thành công tốt đẹp. Với sự tham gia theo dự tính ban đầu bao gồm 15 đoàn nghệ thuật trong nước và 6 đoàn nước ngoài với không ít đoàn của nhiều quốc gia đã nhiều lần tham dự như Ấn Độ, Italy, Hàn Quốc… Đến phút chót, hai đoàn Ấn Độ và Pakistan không sang được. Nên số lượng đoàn nước ngoài chỉ còn lại 4.
Nhìn chung tất cả các vở diễn ở Hà Nội, cũng như Hải Phòng đều chật cứng khán giả. Chứng tỏ tình yêu sân khấu và những cái gì sân khấu cách tân, đổi mới luôn luôn được người xem ủng hộ và hâm mộ. Nếu xem bản thành tích của LHQTSKTN lần V, thì nước chủ nhà Việt Nam lãnh trọn cả bốn Huy chương Vàng và năm huy chương Bạc dành cho các vở diễn xuất sắc nhất. Điều này có thể xem là có sự giảm chút chất lượng của các đoàn quốc tế tham gia LHQTSKTN lần thứ V so với lần thứ IV. Trong bốn huy chương Vàng của Liên hoan lần IV có vở diễn "Bpola" của Đoàn nghệ thuật Ayit- Isarel. Còn trong năm huy chương Bạc của LHQTSKTN IV thì có tới 3 vở của nước ngoài trên 5 vở như "Cánh đồng đổ máu" của Hy Lạp, "Macbets Mirros" của Ấn Độ, "Câu chuyện bức tranh cổ" của Trung Quốc.
Nếu nhìn vào các tiết mục của bốn đoàn quốc tế tham gia LHQTSKTN lần này ta thấy một điều khá rõ là đồng nghiệp quốc tế rất tôn trọng tiêu chí thử nghiệm được đề ra. Từ vở diễn "The Lehman Brofther" của Đoàn Tom Conodini -Italy, hay vở "Sea Storier" của Đoàn Patch Thefoer - Ba Lan. Ở các vở diễn này người xem chỉ thấy có từ hai đến ba diễn viên. Đạo cụ từ những vật bình thường đến cả con tàu lướt trên đại dương, hay những trận bão táp với gió mạnh, sóng dữ đều được cách điệu đến tận cùng khiến khán giả càng hiểu tính ước lệ của sân khấu đã chắp thêm đôi cánh tưởng tượng cho tư duy nghệ thuật.
Một nhận xét thứ hai là đối với các đoàn nghệ thuật nước ngoài đến với LHQTSKTN lần V vì để gọn nhẹ, với số lượng ít cả đạo cụ và diễn viên nên tất cả tiết mục ngoại đều chỉ dừng ở những tiểu phẩm, những miếng, những trò diễn phù hợp với việc biểu diễn ở các hội chợ, hội nghị nên không phải ngẫu nhiên các tiết mục của bốn đoàn nước ngoài kì này không có được một huy chương nào. Khác hẳn LHQTSKTN lần thứ IV không ít đoàn nước ngoài đã tham dự với những vở diễn đúng nghĩa với cả thời gian, quy mô, công phu tiêu biểu như vở diễn "Cánh đồng đẫm máu" đoạt huy chương Bạc của Hy Lạp. Từ thực tế này thiết nghĩ đối với các đoàn nghệ thuật nước ngoài, Ban tổ chức cần duyệt các tiết mục họ đăng kí để chọn ra những tiết mục đúng nghĩa cả về kịch và thử nghiệm.
Một cảnh trong vở "Poibfed Skin" -Đoàn Singapore.
Còn với các đoàn của nước ta. Với 15 vở diễn hầu hết là những vở diễn đúng nghĩa kịch có sự cố gắng đi tìm thử nghiệm. Có vở diễn là những tiết mục công phu xứng đáng với tiêu chí Thử nghiệm. Đáng kể như vở "Giác" của Chi hội biểu diễn Thăng Long - Hội Sân khấu Hà Nội. Vở diễn chỉ với một mình NSƯT Thanh Tú, chị đã thủ bốn vai mẹ, con trai, con gái và chồng trong một cốt chuyện dung dị, đời thường nhưng đã mang lại thông điệp sâu sắc - hãy tôn trọng bình yên cuộc sống. Không chỉ dừng ở diễn xuất, nữ nghệ sĩ gần 80 tuổi này còn đảm nhiệm trọn vẹn công việc để làm nên một vở diễn từ đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật đến diễn xuất.
Cũng trong LHQTSKTN lần này còn có sự thử nghiệm của vở diễn có sự giao thoa xen kẽ của các thể loại nghệ thuật như cải lương xen với xiếc trong vở "Truyền tích nàng Thơm" của Đoàn nghệ thuật Cải lương Long An và nhất là vở "Thượng thiên Thánh Mẫu" của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Không ít vở kịch của các đoàn trong nước mang đến LHQTSKTN Lần thứ V này được ghi nhận có sự cố gắng đi tìm tòi những phương pháp thử nghiệm cách tân. Ban giám khảo quốc tế, giới chuyên môn và người xem có thể ghi nhận điều này ở vở diễn của Nhà hát múa rối Việt Nam, Đoàn Rối Hải Phòng, Nhà hát Kịch Việt nam…
Trong đó có lẽ cũng như LHQTSKTN lần thứ IV sự thể nghiệm rõ và thành công nhất vẫn thuộc về Nhà hát rồi Việt Nam với Đạo diễn - NSND Nguyễn Tiến Dũng trong tiết mục "Bản tình ca trên núi". Đây là lần thứ hai liên tiếp Nguyễn Tiến Dũng đoạt giải đạo diễn xuất sắc nhất. Ở lần thứ IV, Nguyễn Tiến Dũng làm bạn bè trong nước và nhất là đồng nghiệp nước ngoài thán phục khi anh dàn dựng vở diễn "Thân phận nàng Kiều" với sự kết hợp tạo hình giữa người thật và con rối, còn ở Liên hoan lần thứ V này anh có hai tiết mục là "Bản tình ca trên núi" đoạt huy chương vàng, và "Lời thề" đoạt huy chương bạc.
Ở hai vở diễn này NSND Nguyễn Tiến Dũng đã huy động triệt để mọi thành phần của sân khấu từ ánh sáng, âm nhạc, con rối, diễn viên, đạo cụ sân khấu để tạo ra hiệu quả đêm diễn (vở "Bản tình ca trên núi" - Nhà hát múa rối Việt Nam). Anh đã đưa chèo vào rối rất ngọt, đồng thời sử dụng có hiệu quả màn hình LED để tạo ra không gian ba tầng một cách linh hoạt (vở "Lời thề" - Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng)…
Nói đến sân khấu thử nghiệm là nói đến những phép thử trong sáng tạo, cách tân nghệ thuật. Ở sân khấu phép thử này là sự kết hợp tổng thể bắt đầu từ kịch bản đến đạo diễn, diễn xuất, âm nhạc, trang trí…. Ở LHQTSKTN lần này các thành tố khác từ khâu đạo diễn, diễn xuất… có thể xem như ít nhiều thành công. Điều cần nói là kịch bản. Mặc dù HNSSKVN đã từng có trại viết chuyên về kịch bản thử nghiệm, nhưng có thể nói các kịch bản thử nghiệm ở Liên hoan này đều không được dùng. Có đến năm đơn vị đã dựng kịch mục tham gia từ những kịch bản đã quá cũ để rồi qua đạo diễn thêm thủ pháp gọi là thử nghiệm. Đó là kịch bản của Íp sen, Sôlôphốc, Lưu Quang Vũ, Doãn Hoàng Giang, Nguyễn Huy Thiệp… Đã được dựng nhiều lần nay lại khoác áo thử nghiệm. Có những đơn vị bê nguyên xi tiết mục "không thử nghiệm chút nào" vào LHQTSKTN… Điều này làm giảm sút trầm trọng ý nghĩa của một LHQTSKTN.
Nên chăng, rút kinh nghiệm từ các lần sau, Ban tổ chức cần nêu rõ những tiêu chí để các tiết mục tham gia Liên hoan quy chuẩn hơn.
Mùa xuân mùa hoa nở, chồi đâm, nói chuyện về LHQTSKTN chính là nói về mong ước cho làng sân khấu Việt Nam trong năm mới sẽ vượt qua sự suy thoái để trở lại sức sống sung mãn như hoa, như chồi, lộc vào năm Quý Mão này luôn luôn tỏa hương và xanh thắm.
By: Nguồn baomoi.com