Những người cần mẫn cõng chữ dân tộc đến từng xã

Apr,16,2021 12:01:15

Ở huyện vùng cao Đà Bắc, trong khi chữ Nôm - Dao cổ có nguy cơ bị mai một thì năm 2019, lớp truyền dạy chữ Nôm - Dao đã được mở tại xóm Sưng, xã Cao Sơn thu hút đông đảo người dân tham gia.

 

Cần mẫn "cõng chữ" dân tộc đến từng xã

Vượt qua con đường đèo dốc ngoằn ngòeo, tôi đến với lớp học tiếng Nôm - Dao của nghệ nhân ưu tú Lý Văn Hềnh tại xóm Sưng, xã Cao Sơn, Đà Bắc, Hòa Bình . Xe vừa tắt máy, tôi đã nghe rõ tiếng "hát" đồng thanh phát ra từ căn nhà tranh nằm sừng sững trên đỉnh đồi. Sở dĩ tôi gọi là tiếng "hát" bởi tiếng Nôm - Dao khi đọc lên mang âm điệu như bài hát, êm tai và rất thú vị. Những âm thanh văng vẳng đó làm sôi động cả bản làng yên ả, thanh bình. Lớp học được mở gần 3 năm nay với đầy đủ lứa tuổi, không phân biệt người già, trẻ nhỏ, không phân biệt tầng lớp, địa vị. Người cao niên nhất đã 59 tuổi, học viên nhỏ nhất mới vừa tròn 10 tuổi. Có người là cán bộ xóm, nông dân, học sinh nhưng tất cả họ đều có chung một mong muốn hiểu thêm truyền thống và gìn giữ chữ viết dân tộc mình.

Những người cần mẫn cõng chữ dân tộc đến từng xã

Lớp học tiếng Nôm - Dao giữa ngọn đồi ở xóm (Ảnh: Khánh Vi Phạm).

Trò chuyện với tôi, ông Hềnh cho biết: Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, nhiều luồng văn hóa đã du nhập đến các làng, bản người Dao. Người trẻ được học tiếng phổ thông, học ngoại ngữ mà không được học tiếng dân tộc là điều khiến ông và những người cộng sự rất trăn trở. Lo lắng chữ viết dân tộc sẽ mai một, những lớp dạy tiếng Nôm - Dao cổ được mở ra đã trở thành niềm vui của cả cộng đồng người Dao. Ban đầu, với nguyện vọng truyền dạy chữ viết cho cộng đồng và để lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của người Dao Tiền, ông đã bắt đầu dạy chữ Nôm - Dao cho con cháu trong gia đình, dòng tộc.

Những người cần mẫn cõng chữ dân tộc đến từng xã

Nghệ nhân ưu tú Lý Văn Hềnh đã ngoài 70 tuổi (Ảnh: Khánh Vi Phạm).

Năm 2008, được sự giúp đỡ của thành viên mạng lưới Bảo tồn tri thức bản địa dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình, ông Hềnh đã lập tờ trình đề nghị UBND xã Cao Sơn cho dạy phổ biến chữ Nôm - Dao cho cán bộ và nhân dân trong vùng. Mới đầu ông mở lớp dạy miễn phí cho các cháu nhỏ và người dân trong xã. Tại đây, các học viên không chỉ được học về chữ viết Dao cổ mà còn học các làn điệu dân ca Dao Tiền như: hát Khía, hát đối đáp giao duyên và hát trong các lễ làm đám tâm linh dân tộc Dao như: múa chèo, múa chuông, … Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân ở các xã khác khi biết có lớp học chữ Nôm - Dao đã đến đăng ký tham gia học mong có cái chữ để truyền dạy lại cho thế hệ sau.

Đặc biệt, kể từ khi có nghị quyết Trung ương V, khóa 8 theo Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủvề việc phổ biến việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số đến các làng xã, huyện trong tỉnh, số người học tăng lên đáng kể. Nhiều người đã đăng ký và quyết tâm theo học đến cùng với hi vọng có thể truyền dạy lại cho bà con trong xóm và con cháu trong dòng tộc. Lớp học được tổ chức quy củ, có thầy giáo, lớp trưởng, lớp phó, kiểm tra, điểm danh nghiêm túc.

Ông Hềnh và những người cộng sự là ông Lý Hồng Si, Triệu Văn Thanh đã ấp ủ ý tưởng mở lớp truyền dạy chữ Nôm - Dao cho bà con từ lâu nhưng do kinh phí eo hẹp nên đã gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian đầu. Được Trung tâm Hỗ trợ cộng đồng phát triển bền vững Hà Nội tập huấn nghiệp vụ sư phạm, hỗ trợ biên soạn giáo án; Cơ quan chính quyền xã giúp đỡ thêm một ít chi phí và nhất là tinh thần nhiệt tình, tự nguyện của học viên trên địa bàn chính là động lực lớn lao thôi thúc những người thầy mở lớp và tham gia giảng dạy. Đến nay đã có 8 lớp với trên 250 học viên tham gia tại địa bàn huyện. Cứ mỗi thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, ông và những cộng sự của mình lại luân phiên nhau "cõng chữ" đến các xã Tu Lý, Hiền Lương, Cao Sơn, Tân Pheo, Đoàn Kết.

Những người cần mẫn cõng chữ dân tộc đến từng xã

Các học viên trong lớp cùng nhau ôn lại bài trong giờ nghỉ giải lao

Những người cần mẫn cõng chữ dân tộc đến từng xã

Ông Triệu Văn Đức ôn lại bài giảng trước giờ ăn trưa tại lớp học

Những người cần mẫn cõng chữ dân tộc đến từng xã

Giáo trình chữ Nôm - Dao cổ được các thầy giáo sử dụng làm nguyên liệu giảng dạy (Ảnh: Khánh Vi Phạm)

Nhớ về những ngày đầu tiên, ông Lý Văn Hềnh bồi hồi tâm sự: Để có tài liệu mở lớp, các thầy giáo "không chuyên" đã phải đi tìm tòi, sưu tầm rồi biên soạn thành giáo trình từ một số sách Nôm - Dao lưu giữ được. Phải trải qua một quá trình biên soạn, chỉnh sửa, phê duyệt thì giáo trình mới được đưa vào dạy đại trà. Cực khổ là thế nhưng chưa bao giờ ông và những người cộng sự suy nghĩ về việc từ bỏ. Quyết tâm không để tiếng dân tộc bị mai một cùng với tinh thần ham học hỏi của người dân trong huyện chính là động lực để những người thầy giáo "không chuyên" cần mẫn đến từng xã dạy học với ước nguyện tiếng Nôm - Dao mãi ngân vang trong những lớp học.

Những người cần mẫn cõng chữ dân tộc đến từng xã

Giáo trình tiếng Nôm - Dao do nghệ nhân Lý Văn Hềnh biên soạn

Học chữ dân tộc để hiểu nhân nghĩa, gìn giữ nếp sống của dân tộc mìnhNội dung sách phần lớn liên quan đến tri thức dân gian, bài học đạo đức, thiên văn, sách thuốc, dân ca và phong tục tập quán. Học chữ Hán - Nôm đã khó, để hiểu, dịch nghĩa, phiên âm sang tiếng dân tộc Dao còn khó hơn đòi hỏi người học phải chịu khó, ham mê mới có thể thành công. "Chúng tôi mở lớp, không chỉ để mọi người hiểu về ngôn ngữ, chữ viết và văn hóa người Dao, góp phần giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc mà còn giúp mọi người hiểu về nhân nghĩa, gìn giữ nếp sống, phong tục tập quán, hiểu đạo lý làm người, giúp con người hướng thiện, tránh xa điều tà ác" - ông Triệu Văn Thanh (giáo viên đứng lớp cùng ôngHềnh) chia sẻ.

Những người cần mẫn cõng chữ dân tộc đến từng xã

Các bài học về đạo đức, quy định của lớp học viết bằng tiếng Nôm - Dao được dán trong lớp học (Ảnh: Khánh Vi Phạm).

Ông Triệu Văn Thảo, sinh năm 1962 (59 tuổi), học viên lớn tuổi nhất cho biết: Trước đây tôi chỉ biết nói chứ không biết viết tiếng Dao, nhờ sự hướng dẫn tận tình của các thầy, tôi nhận ra chữ của người Dao mình rất hay. Tôi sẽ cố gắng học hỏi để truyền dạy cho con cháu. Nhờ học chữ Dao mà vùng đồng bào Dao sinh sống luôn ổn định. Không có người Dao nghiện ma túy hay sa vào các tệ nạn xã hội.

Những người cần mẫn cõng chữ dân tộc đến từng xã

Thầy giáo Triệu Văn Thanh chuẩn bị bài giảng cho buổi chiều sau khi kết thúc giờ ăn trưa (Ảnh: Khánh Vi Phạm).

Đồng chí Bàn Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết: Từ ngày có lớp học chữ Dao trên địa bàn huyện, số lượng người biết viết chữ Nôm - Dao tăng lên đáng kể. Việc mở lớp không chỉ để mọi người hiểu về chữ viết, văn hóa người Dao, góp phần giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc mà còn giúp mọi người hiểu về nhân nghĩa, gìn giữ nếp sống, phong tục tập quán của dân tộc mình. Điều đáng quý là trong điều kiện còn nhiều khó khăn cùng với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng các lớp dạy tiếng Nôm - Dao ở Đà Bắc vẫn tiếp tục được duy trì. Với giá trị to lớn như vậy, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện có thể để người dân tộc thiểu số nói chung và người dân tộc Dao nói riêng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Chữ cổ Nôm - Dao: Biểu trưng cho tín ngưỡng của người dân tộc Dao

Nói về tính ứng dụng của chữ Nôm - Dao trong đời sống, hằng năm người Dao thường tổ chức các nghi lễ cơ bản như: Lễ cấp sắc (lễ đặt tên âm cho con trai đã lập gia đình); lễ cúng tạ mả; lễ Tết nhảy; lễ khai quang, … Trước đây, để thực hiện các lễ này thì người trong nhà không thể tự làm mà phải thuê người ngoài, người khác họ. Để duy trì các nghi lễ này buộc phải có nhiều người biết chữ Nôm - Dao, biết tiếng Dao văn chương. Do vậy, việc thành lập và duy trì các lớp học tiếng Nôm - Dao không những là chìa khóa để bảo tồn nền văn hóa đặc sắc của dân tộc mà còn giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế dựa vào chính kiến thức mình học được.

Những người cần mẫn cõng chữ dân tộc đến từng xã

Chữ "Minh Mẫn" viết theo tiếng Nôm - Dao được nghệ nhân Lý Hồng Si viết tặng cho du khách đến tham quan lớp học (Ảnh: Khánh Vi Phạm).

Ngoài ra, chữ Nôm - Dao còn được viết trên các câu đối truyền tải những nội dung chứa đựng thông điệp sâu xa về đạo lý làm người, thường được dùng trong đám cưới, đám ma, lễ cúng bái. Chữ Nôm - Dao như biểu trưng cho tín ngưỡng của người dân tộc nơi đây. Vì vậy, việc gìn giữ nét đẹp chữ viết chính là cách để những người dân tộc miền núi Tây Bắc tin tưởng hơn vào việc bảo tồn, gây dựng và phát huy nền văn hóa dân tộc.

Những người cần mẫn cõng chữ dân tộc đến từng xã

Các bạn trẻ đến tham quan xóm Sưng hào hứng khi được nghệ nhân Lý Hồng Si tặng chữ (Ảnh: Khánh Vi Phạm).

Thực tế trên cho thấy, chữ Nôm - Dao là một di sản văn hóa quý báu gắn liền với các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Dao. Những người nắm giữ loại hình di sản quý giá này trong cộng đồng người Dao như ông Lý Văn Hềnh, Lý Hồng Si và Triệu Văn Thanh rất cần được động viên, khuyến khích. Từ đó họ có động lực truyền bá những tri thức được lưu giữ bằng loại văn tự này cho các thế hệ kế tiếp nhằm tránh khỏi sự mai một.

By: dantri.com.vn

Những người cần mẫn cõng chữ dân tộc đến từng xã - Cuộc Sống