Mẹ chỉ cưng chiều con trai, gây bao buồn khổ trong lòng con gái
Từ nhỏ tôi đã chứng kiến những toan tính của mẹ mỗi lần bà lên kế hoạch sinh các em tôi. Khi bầu đứa con thứ 2, bà hy vọng đó là con trai. Mẹ đã có tôi là con gái rồi nên giờ bà nhất định phải có một đứa con trai để bằng chị bằng em, để người đời công nhận bà là phụ nữ… biết đẻ, để có thể tự cao với dòng họ nhà chồng là bà đã sinh được thằng cháu đích tôn nối dõi.
Thế nhưng trời chẳng chiều lòng người, khi siêu âm em tôi lại là con gái. Vậy là về nhà mẹ tôi khóc. Tiếng khóc có lúc nức nở, khi thì rấm rức như oán thán, oan ức. Bố tôi cứ bên cạnh động viên vợ, bảo phải giữ gìn sức khoẻ kẻo ảnh hưởng tới con. Bố tôi càng dỗ dành thì bà càng khóc, khóc vì không bầu được thằng con trai.
Tôi nhớ ngày mẹ sinh em gái. Đó là vào giữa đêm mùa đông Hà Nội buốt giá. Khi ấy bố tôi đang làm quản đốc tại một công xưởng cách nhà 3 cây số. Nhà lúc đó chỉ có mẹ con tôi và ông nội. Thấy mẹ tôi kêu đau bụng chuyển dạ, ông nội tôi 75 tuổi lo cho con dâu tới mức quên cả xe đạp. Ông cứ vừa đi vừa chạy lên tận chỗ bố tôi làm việc, gọi bố tôi về đưa vợ đi đẻ.
Bố về gọi taxi đưa mẹ lên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Thế là em gái tôi chào đời, một bé gái bụ bẫm nặng 3,6kg.
Mẹ tôi không thích chị em tôi, vì chúng tôi là con gái (Ảnh minh họa) |
Khi mẹ em từ bệnh viện về nhà, tôi vô tình nghe được cuộc điện thoại của mẹ với người bạn thân. Mẹ tâm sự với cô bạn rằng đang rất buồn chán vì đẻ con gái. “Lúc bác sĩ hỏi đặt tên con là gì, tao chán tới mức chả buồn trả lời. Tao chưa hề chuẩn bị tên cho bé gái. Thế nên tao bảo tùybác sĩ, bác đặt giúp cho bé đi”, mẹ tôi kể với cô bạn. Hóara tên em gái tôi là do bác sĩ đặt.
Ngày đầy tháng em tôi, bố hỏi mẹ định tổ chức thế nào. Mẹ tôi bảo con gái thì tổ chức làm gì. Thế rồi mẹ khóc, bố lại dỗ dành. Lúc ấy bố nói vẫn phải làm vài mâm cơm đầy tháng cho em, mời cơ quan của bố mẹ tới kẻo em tủi thân.
Khi ấy tôi học lớp 4, tôi chả hiểu sao mẹ mình lại khóc lắm thế vì chuyện đẻ ra em tôi là con gái. Tôi từng hỏi mẹ, sao mẹ không thích con gái. Mẹ trả lời do ông bà nội con, do bố là con trưởng nên phải đẻ được con trai để nối dõi tông đường. Tôi thì không thấy vậy. Dù biết mẹ tôi mang thai cháu gái nhưng giữa đêm mùa đông ông nội tôi vẫn chạy bộ 3 cây số đi tìm bố về đưa mẹ đi bệnh viện. Điều đó cho thấy ông tôi thương con dâu và cháu nội đến nhường nào. Bố tôi thì càng không phải. Mỗi lần mẹ tôi khóc lóc vì sinh con gái, bố luôn là người dỗ dành.
Lúc tôi sắp vào đại học thì mẹ lại bầu lần nữa. Lần này, mẹ may mắn bầu được con trai. Khi biết cái thai là con trai, mẹ tôi tự nghĩ mình là hoàng hậu. Mẹ ốm nghén không ăn uống, nôn ọe, nghỉ làm. Bố tôi cũng phải xin nghỉ theo để chăm sóc vợ.
Tôi là chị cả nên gánh vác việc nhà, cơm nước, dọn dẹp. Tôi nhớ mãi lần mang khay cơm lên giường cho mẹ, mẹ ngửi mùi thì nằm lăn ra giường. Mẹ chẳng thèm nhìn tôi mà quay ra làm nư với bố: “Tôi không thể ăn món này được đâu. Nếu không phải vì thằng bé trong bụng tôi cũng chẳng muốn ăn uống gì đâu”. Bố là người nhạy cảm, bố biết tôi buồn. Bố bảo tôi rằng mẹ đang mệt nên nói thế thôi, chứ con nấu cơm ngon lắm.
Mẹ nói bố phải sinh con trai cho bố nối dõi nhưng ngược lại bố luôn là người xoa dịu khi mẹ làm tổn thương các con gái của bố (Ảnh minh họa) |
Em trai tôi ra đời được cưng như trứng. Mỗi lần làm ăn thắng lớn, bố mẹ tôi đều nói: “Thế là thằng Tuấn lại có thêm 60 triệu rồi, lần này mua thêm được cái nhà cho con giai rồi”.
Tới lúc tôi đã lập gia đình riêng, mẹ rủ tôi cùng mẹ đi mua nhẫn kim cương. Mẹ mua cho mẹ đeo và không quên nhấn mạnh: “Sau này mẹ sẽ tặng nó cho vợ thằng Tuấn”. Lúc ấy em trai tôi còn bé tí, mới 7 -8 tuổi đầu. Nó biết gì đâu mà tiền của Tuấn, nhà của Tuấn rồi nhẫn kim cương của vợ Tuấn. Mẹ tôi cũng mặc định luôn là Tuấn sau này phải ở chung với bố mẹ. Tiêu chuẩn tuyển vợ cũng phải rất khắt khe vì Tuấn là cháu đích tôn nối dõi.
3 chị em tôi vẫn yêu thương nhau dù mẹ tôi đối xử với mỗi đứa mỗi khác. Ngay chính Tuấn, lớn lên nó cũng tỏ ra hiểu chuyện và thấy kỳ bởi mẹ quá ưu ái mình hơn các chị. Khi vào đại học, bất ngờ Tuấn tuyên bố ra ngoài sống. Nó bảo không muốn sống chung với bố mẹ. Nó có cuộc đời riêng, ước muốn riêng. Sống chung với bố mẹ, chăm lo việc thờ cúng, nối dõi tông đường là mong muốn của bố mẹ, không phải của nó.
Tuấn kéo vali ra ngoài sống, em tôi đã tự tìm lối thoát cho mình (Ảnh minh họa) |
Bố mẹ tôi bị sốc vì Tuấn làm như vậy. Bố mẹ và người đời chửi em trai tôibất hiếu, rằng dòng họ nội vô phúc mới đẻ ra thằng cháu đích tôn như Tuấn, nhưng tôi lại mừng vìem đã dám bứt phá.
Tôi và em gái ít được bố mẹ kỳ vọng nên trọng trách được giao rất ít. Chúng tôi lập gia đình riêng, bị coi là nữ nhi ngoại tộc. Ngày chị em tôi đi lấy chồng, chỉ ngậm ngùi thương cho Tuấn. Mong em cũng tìm được lối thoát để sống cuộc đời của em, hoàn thành ước mơ của em.
Mỹ Trang
By: Nguồn www.phunuonline.com.vn