Không nợ tín dụng, không mua hàng hiệu, 'sống rẻ' khiến tôi an yên
Thay vì mua sắm, hãy học thêm cách quản lý tài chính. Và thay vì nghĩ về cách tiêu tiền của mình mỗi ngày, hãy nghĩ nhiều hơn về cách tăng thu nhập.
Nếu quan sát kĩ những người phụ nữ xung quanh, bạn sẽ phát hiện ra rằng: Những người sở hữu cuộc sống đáng mơ ước, phần lớn đều là những người có tiền. Ít nhất thì muốn làm gì, tiêu gì, quần áo, mỹ phẩm, hay những sở thích sau giờ làm... chẳng có cái gì không cần tới tiền.
Tuy nhiên, có không ít người đổ xô theo đuổi cái đẹp và sự sang chảnh, so sánh bản thân với người khác một cách mù quáng, để rồi phải trả giá đắt cho điều đó.
Không phải ai lương tháng 8 triệu cũng có thể sống xa hoa
Tôi có một đồng nghiệp, lương tháng 8 triệu, nhưng cô ấy sở hữu một cuộc sống rất xa hoa.
Túi Coach, MK, hàng triệu bạc một chiếc, cô ấy sở hữu không dưới 10 chiếc. Chiều nào cũng phải uống trà chiều, cuối tuần đi ăn ở đủ các nhà hàng sang trọng, mỗi ngày một bộ quần áo, nửa năm đi du lịch hai lần, Thái Lan hoặc Singapore…
Ảnh minh họa: Pinterest
Trang cá nhân của cô ấy phần lớn là ảnh về ăn uống, hầu như hôm nào cũng ăn khuya, đồ ăn khuya cũng vô cùng chất lượng.
Cuộc sống của cô ấy, là mơ ước của rất nhiều người.
Tất nhiên, sau khi hiểu được gia cảnh của cô ấy, tôi đã hiểu ra vấn đề.
Cô ấy sinh ra ở thành phố, bố mẹ làm ăn kinh doanh, chồng cũng cùng thành phố, có vài căn nhà cho thuê, hai vợ chồng mỗi người một xe hơi.
Không gánh nặng tiền mua nhà, cũng không bị áp lực về khoản vay mua xe, tiền lương hàng tháng chỉ dùng để đổ xăng, mua sắm quần áo mỹ phẩm, ăn uống…
Bố và mẹ chồng cũng hết mực giúp đỡ nên hai vợ chồng không phải lo toan gì nhiều. Hưởng thụ cuộc sống là điều rất hiển nhiên với cô ấy.
Ngược lại, một đồng nghiệp khác dù lương tháng 20 triệu nhưng chưa bao giờ thấy cô ấy tiêu tiền cho cái gì đắt đỏ, chất lượng cuộc sống cũng thua xa người đồng nghiệp lương tháng 8 triệu.
Hỏi ra mới biết cô ấy và chồng đều xuất thân nông thôn, ba mẹ không có bảo hiểm xã hội, hai vợ chồng lại ở thành phố mua nhà nên số tiền phải chi tiêu hàng tháng là không ít. Hiện tại hai vợ chồng đã có thêm em bé, áp lực cuộc sống khiến cô ấy không dám tiêu tiền bừa bãi.
Không phải ai lương tháng 8 triệu cũng đủ điều kiện để tiêu xài thỏa thích. Ngay cả nhiều người với mức lương tháng hàng chục triệu cũng không đủ dũng khí để thích gì tiêu nấy, bởi đằng sau đó, còn rất nhiều người đang cần họ.
Ảnh minh họa: PinterestSo sánh mù quáng sẽ đẩy con người ta xuống vực thẳm
Nếu bạn nghĩ rằng tất cả những phụ nữ có mức lương tháng 8 triệu nhưng vẫn sống một cuộc sống với mức lương tháng của người kiếm được hàng chục triệu đều là những người có gia cảnh tốt, thì có lẽ bạn đã nhầm.
Tôi có một cô bạn kiếm được hơn 8 triệu một tháng, nhưng sở hữu tới bốn năm chiếc thẻ tín dụng và một khoản nợ lên tới hàng trăm triệu. Mỗi lần tôi khuyên nên tiết chế lại trong chi tiêu, cô bạn đều nói: “Tớ biết mà!”
Thời gian đầu, cô ấy thường hỏi vay tôi một số tiền nhỏ để quay vòng, nhưng dần dần càng vay càng lớn: “Cho tớ vay 30 triệu nhé, hai ngày nữa trả lại cho cậu, được không?”.
Tôi đã từ chối, vì tôi biết rằng nếu cứ vay rồi lại trả, vay rồi lại trả, nó sẽ không bao giờ có điểm dừng.
Ảnh minh họa: Pinterest
Một người bạn khác còn “mạnh tay” hơn, cô ấy vay trực tuyến, vay 60 triệu, trả 100 triệu, trả góp trong 3 năm. Thực ra, gia cảnh không quá giàu có, thu nhập cũng không cao nhưng cô ấy rất thích đi du lịch, ăn uống sang chảnh, mua quần áo đẹp, so kè với người khác, mua hàng hiệu, theo đuổi thần tượng. Thần tượng có sự kiện nào đó ở đâu, chỗ đó sẽ có mặt cô ấy.
Nhà văn người Áo Zweig đã viết trong tác phẩm “Marie Antoinette" của mình rằng: "Khi đó, cô ấy còn quá trẻ để biết rằng mọi món quà của số phận, đều sớm đã âm thầm được định một cái giá.”
Còn nhà văn Mỹ Mark Twain từng nói: “Nếu bạn biết cách sử dụng, tiền bạc là một người hầu tốt; nếu bạn không biết cách sử dụng, tiền bạc sẽ trở thành chủ nhân của bạn.”
Vốn dĩ sau này giàu có thì sẽ có thể sống cuộc sống mình muốn, nhưng bao nhiêu người vì cái gọi là "cuộc sống mà mình muốn" mà ghen tị, so sánh bản thân với người khác một cách mù quáng, để rồi cuối cùng nợ nần chồng chất, sống cuộc đời mà mình ghét bỏ?
Bất chấp tất cả, vay nợ để theo kịp người ta, để sống một cuộc sống được xem là lý tưởng trong mắt người khác, thực sự đáng ư?
Có từng khổ rồi, mới biết trân trọng cuộc sống
Một bà mẹ ở nhà làm nội trợ toàn thời gian trong suốt 3 năm đã thi đỗ nghiên cứu sinh thạc sỹ và có thêm bằng kế toán từng chia sẻ rằng:
"Cách đây 3 năm, tôi sống trong sự mất kiểm soát, bất lực và suy sụp là những cảm xúc phổ biến nhất, bối rối và buồn bã là hai người bạn đồng hành trước khi đi ngủ mỗi ngày.
Hiện tại, tôi không lúc nào cũng phải mua cho mình đồ đắt tiền, nhưng tôi thấy nó chẳng phải là điều gì đáng xấu hổ. Bởi vì cuộc sống “rẻ” này đem lại cho tôi tự do, không bị gò bó, đó là cảm giác kiểm soát được nội tâm, là cảm giác an toàn, là khả năng chống lại được rủi ro, và cũng là khả năng bắt đầu lại cuộc sống”.
Ảnh minh họa: Pinterest
Bởi vì đã trải qua những khó khăn của cuộc sống, vì biết không có tiền là như thế nào, nên mới biết cách trân trọng nó hơn, và vì vậy, mới nỗ lực hơn để nắm bắt mọi cơ hội để hoàn thiện bản thân hơn, chăm chỉ kiếm tiền hơn, tiết kiệm tiền một cách nghiêm túc hơn, không khoe khoang, và sống hết mình hơn.
Tiền quan trọng ra sao? Tác giả Somerset Maugham đã nói: “Tiền giống như giác quan thứ sáu, không có nó thì không thể sử dụng hết các giác quan khác”.
Nhưng tác gia khác, Xi Murong cũng cho rằng: "Tiền là một thứ hữu ích, nhưng nó sẽ chỉ mang lại cho bạn hạnh phúc khi bạn biết đủ, nếu không thì, nó sẽ chẳng mang lại gì cho bạn ngoài rắc rối và sự ghen tị."
Trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống, tôi mới nhận ra rằng những gì mà Xi Murong nói thực sự rất đúng.
Nếu bạn không có sức đề kháng với vật chất thì dù kiếm được bao nhiêu tiền cũng sẽ là không đủ tiêu, nếu bạn tiết chế được ham muốn của mình một cách hợp lý thì bạn sẽ hạnh phúc.
Mong rằng sau những đau khổ vì cuộc sống và tiền bạc, bạn có thể thực sự hiểu ra một vài thực tế, để cuộc sống của bạn đi đúng hướng, gặt hái được hạnh phúc và sự an yên.
Ảnh minh họa: PinterestLời kết
Nhà viết kịch người Na Uy, Henrik Johan Ibsen nói: “Tiền có thể là cái vỏ của việc học được nhiều điều, nhưng nó không phải là thành quả bên trong”.
Viết nhiều như vậy, điều tôi muốn nói ở đây là gì?
Một phụ nữ kiếm được 8 triệu một tháng và sống một cuộc sống của người kiếm được hàng chục triệu một tháng, chỉ có 3 khả năng: dựa vào gia đình, dựa vào các khoản vay và dựa vào đàn ông. Điều thứ hai và thứ ba là rất nguy hiểm.
Phái nữ, nếu muốn cải thiện chỉ số tài chính của mình, thay vì mua mua mua, hãy học thêm về đầu tư và quản lý tài chính. Thay vì nghĩ về cách tiêu tiền của mình mỗi ngày, hãy nghĩ nhiều hơn về cách tăng thu nhập của bạn.
Thay vì dành tâm trí cho tiền bạc và “lớp sơn” bên ngoài, tốt hơn hết bạn nên tập trung nhiều hơn vào “lớp gỗ” bên trong, đừng quá bốc đồng, thứ mà bạn cần tìm kiếm là sự bình yên trong nội tâm của mình.
Theo Trí thức trẻ
By: Nguồn tintuconline.com.vn