Cú Tây Bắc ở The Masked Singer là Hương Lan hay Ý Lan?
Cú Tây Bắc - mascot thể hiện bài 'Đưa em tìm động hoa vàng' gây sốt khiến khán giả đau đầu, đặt lên bàn cân 2 danh ca Ý Lan và Hương Lan.
Mascot Cú Tây Bắc với màn trình diễn nhạc phẩm kinh điển Đưa em tìm động hoa vàng (nhạc: Phạm Duy, thơ: Phạm Thiên Thư) mang đến cho ban cố vấn chương trình Ca sĩ mặt nạ - The masked singer 2023 và người nghe không gian âm nhạc hoài niệm, huyền ảo và trữ tình.
Đưa em tìm động hoa vàng cùng Gọi em là đóa hoa sầu, Ngày xưa Hoàng thị, 10 bài Đạo ca... là những nhạc phẩm ra đời từ mối thâm tình giữa nhạc sĩ Phạm Duy và nhà thơ Phạm Thiên Thư.
Bài thơ Động hoa vàng thuộc thể lục bát gồm 100 đoạn với 400 câu kể về mối tình trong sáng, thuần khiết, không nhuốm màu trần tục.
Chàng học trò nghèo thi mãi không đỗ đạt công danh nên người yêu bị gia đình ép gả cho người khác. Anh dốc lòng ôn luyện, thi đỗ trạng nguyên, vài năm sau lại cám cảnh quan trường nên từ chức về quê cũ.
Mascot Cú Tây Bắc khiến trường quay "nổi sóng" vì màn trình diễn ấn tượng.
Bài thơ được phổ nhạc vẫn giữ nguyên tinh thần và thấm đẫm chất thiền. Dù chuyện tình dang dở, tâm thái của "gã từ quan" trong tác phẩm vẫn an nhiên, tự tại giữa khung cảnh thanh bình chốn thôn quê.
Thể hiện nhạc phẩm Đưa em tìm động hoa vàng, Cú Tây Bắc phát âm, nhả chữ chuẩn mực với cách luyến láy, nhấn nhá đặc trưng.
Ban cố vấn đồng quan điểm với cách chọn bài và xử lý này, Cú Tây Bắc là một ca sĩ nữ lớn tuổi, có kỹ thuật thanh nhạc thiên về dòng dân ca - quê hương.
Trên các diễn đàn mạng xã hội, hầu hết phán đoán tập trung vào 2 danh ca Hương Lan và Ý Lan, số ít đoán ca sĩ Anh Thơ, Ánh Tuyết hoặc một ca sĩ trẻ chuyên giả giọng.
Xét từ góc độ thanh nhạc, Hương Lan và Ý Lan đều là giọng ca gạo cội thực lực của dòng nhạc dân ca - quê hương, có khả năng điều chỉnh cách hát cho giống người còn lại.
Trong liveshow Một đời sân khấu, Hương Lan từng biến tấu cách hát, xử lý ca khúc để song ca hòa quyện với Ý Lan bài Tình hoài hương của Phạm Duy.
Danh ca Hương Lan và Ý Lan.
Dù vậy, giọng Hương Lan hiện giảm phong độ do tuổi tác, đặc biệt là cột hơi, trong khi Ý Lan giữ gần nguyên vẹn lực hát so với thời đỉnh cao.
Đối chiếu với màn trình diễn của Cú Tây Bắc, một số khán giả tin rằng nếu Ý Lan là người đứng sau chiếc mặt nạ sẽ hát đoạn cao trào khỏe và bùng nổ hơn.
Xét yếu tố ngoài thanh nhạc,người hâm mộ Hương Lan chỉ ra Cú Tây Bắc đưa một tay ngang hông khi tập trung hát giống hệt tư thế đặc trưng trên sân khấu của thần tượng.
Ngoài ra, chi tiết Cú Tây Bắc có giọng nói "trẻ hơn nhiều so với khi hát" mà cố vấn Tóc Tiên nhận xét đáng lưu tâm. Một số người thân quen đều biết danh ca có thể nhại giọng trẻ em được hình thành từ năm tháng chơi với cháu nội. Bà từng kể ở Mỹ thường nói giọng trẻ em qua điện thoại khi người lạ gọi hoặc người thân vắng nhà.
Cú Tây Bắc hát 'Đưa em tìm động hoa vàng'
Trong khi đó, một vài ý kiến cho rằng Hương Lan khó thu xếp thời gian, sức khỏe để ghi hình dài ngày. Mặt khác, một nghệ sĩ gạo cội vốn hạn chế xuất hiện nhiều năm nay như bà ít có khả năng tham gia một chương trình thuần túy giải trí kiểu Ca sĩ mặt nạ.
Nhạc sĩ Lucas Luân Nguyễn chỉ ra chi tiết Cú Tây Bắc hát cụm từ "cánh bướm đồi Tây" (trong câu "Buồn như cánh bướm đồi Tây hững hờ") thành "cánh bướm đổi thay" - một dị bản phổ biến trên internet của bài Đưa em tìm động hoa vàng.
"Mẹ cô Ý Lan - danh ca Thái Thanh là em vợ cố nhạc sĩ Phạm Duy, cũng là giọng ca thể hiện thành công nhất bài Đưa em tìm động hoa vàng nên khó xảy ra khả năng cô Ý Lan hát nhầm sang dị bản. Vì vậy, tôi nghiêng về khả năng Cú Tây Bắc là danh ca Hương Lan - người đã hát theo phần lời dị bản do tổ sản xuất của chương trình cung cấp", anh phân tích.
Nhà báo Ngô Bá Lục khẳng định Cú Tây Bắc là ca sĩ Anh Thơ vì căn cứ vào màu giọng, cách phát âm, đặc biệt là phong cách giao lưu, trò chuyện của mascot này.
'Voi Bản Đôn' là ai mà khán giả xôn xao truy tìm?Với màn trình diễn ca khúc "Ngày mai người ta lấy chồng" hút 2,9 triệu lượt xem trên YouTube, danh tính mascot Voi Bản Đôn đang được bàn tán sôi nổi. Hoa hậu
Hoa hậu
By: Nguồn vietnamnet.vn