Bài toán thu hút du khách trẻ tới di tích lịch sử

Apr,15,2024 09:45:17

Những khu di tích lịch sử với những giá trị văn hóa, lịch sử cần được lan truyền mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt cho thế hệ trẻ.

Thu hút đông đảo khách tham quan đặc biệt du khách trẻ là một trong những bài toán đầy thách thức đối với các khu di tích lịch sử. Những năm gần đây hoạt động du lịch, trải nghiệm tại các khu di tích đã có nhiều những đổi mới tích cực từ cách thức hoạt động cho đến việc truyền thông quảng bá.

Trong số đó, khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long là điểm sáng nổi lên về việc thay đổi để thích ứng với hiện đại mà vẫn giữ được giá trị văn hóa, lịch sử. Đây là mô hình làm du lịch cần được nhân rộng.

Nhờ cách làm đổi mới, sáng tạo phát triển các chương trình du lịch trải nghiệm kết hợp với sử dụng mạng xã hội để truyền thông khu di tích Nhà tù Hỏa Lò và Hoàng Thành Thăng Long đã thu hút được một lượng lớn du khách tới tham quan. Chỉ tính riêng trong năm 2023 điểm du lịch Nhà tù Hỏa Lò đã thu về 14 tỷ đồng doanh thu với hơn 600.000 lượt khách du lịch tham quan. Còn tại Hoàng Thành Thăng Long, trong năm 2023 khu di tích này có khoảng 800.000 lượt khách du lịch ghé thăm.

Bài toán thu hút du khách trẻ tới di tích lịch sử

Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò

Truyền thông đóng vai trò giáo dục mục tiêu

Nhận xét vai trò của truyền thông chuyên gia Nguyễn Đình Thành, người đồng sáng lập Elite PR School cho biết, truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động của các khu du lịch lịch sử cũng như bất cứ thiết chế văn hóa nào mở cửa cho công chúng.

Ngoài nhiệm vụ quảng bá thông tin để thu hút khách, truyền thông còn đóng vai trò giáo dục cho đối tượng công chúng mục tiêu, tạo nhu cầu thưởng thức sản phẩm và dịch vụ văn hóa trong tương lai. Không chỉ có ý nghĩa với các hoạt động hiện tại, truyền thông về các khu di tích lịch sử còn có ý nghĩa lớn trong việc xây dựng thương hiệu điểm đến cho các địa phương.

Đối với trường hợp của các khu di tích lịch sử thì truyền thông đóng vai trò nhắc lại các kiến thức đã được học, tạo sự kết nối giữa lý thuyết và thực tiễn cũng như tạo nhu cầu thăm viếng và sử dụng các dịch vụ.

Trong thời đại số việc truyền thông không nên chỉ dừng lại ở các hình thức truyền thống như tờ rơi, banner, poster, bảng biển, báo chí mà còn cần được mở rộng sang các kênh mạng xã hội như YouTube, Instagram, Facebook và các mạng xã hội thuộc sở hữu của Việt Nam.

Chuyên gia Nguyễn Đình Thành nhấn mạnh: “Truyền thông bao giờ cũng phải bắt đầu từ một câu chuyện hay, một chất liệu hấp dẫn. Đội ngũ làm sản phẩm tham quan của một số khu di tích đã dày công nghiên cứu và xây dựng được một hành trình trải nghiệm độc đáo dành cho khách tham quan”.

Bài toán thu hút du khách trẻ tới di tích lịch sử

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành

Chính cái hay của tour trải nghiệm này (hình ảnh, âm thanh, ẩm thực, địa điểm độc đáo, sự sắp đặt âm thanh, ánh sáng và hoạt cảnh cùng với thời gian tham quan ngoài giờ thông thường,...) kết hợp với sự khan hiếm về số lượng khách được tham quan và cách truyền thông hiện đại đã tạo nên sức hút của di tích này.

Nói về sự thành công của khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng Thành Thăng Long, Tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân cho rằng: “Bản thân tôi cũng là người theo dõi chăm chỉ trang Fanpage của khu các khu di tích này và rất thích cách làm của đội ngũ truyền thông ở đây. Dĩ nhiên, nơi này cũng có những ưu thế để giúp nó trở thành “địa chỉ đỏ” của du lịch lịch sử”.

Theo bà Vân, ngoài danh tiếng và vị thế, thì việc nằm ở ngay trung tâm Thủ đô Hà Nội là một lợi thế, đặc biệt thuận tiện cho du khách từ xa đến tham quan. Xu hướng du lịch tại chỗ hiện nay cũng là một xu hướng phổ biến ở Việt Nam và thế giới, nhất là sau đại dịch Covid còn nhiều khó khăn, do vậy di tích “Nhà tù Hỏa Lò” luôn có lượng khách Việt Nam đông đảo.

Việc tận dụng tên tuổi của người nổi tiếng như chuyến thăm của hai diễn viên Mỹ Matthew McConaughey và Woody Harrelson thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ Việt Nam hâm mộ hai diễn viên này. Việc áp dụng công nghệ dùng máy thuyết minh để du khách có thể chọn lựa và nghe nhiều thông tin hơn cũng là một việc rất được lòng du khách.

Dưới góc nhìn của người làm thực tế, bà Nguyễn Minh Thu, Trưởng phòng Hướng dẫn – Thuyết minh khu di tích Hoàng thành Thăng Long cho rằng: “Hiện nay các bạn trẻ thường theo xu hướng (trend), đi đến nơi nào hay, thú vị các bạn sẽ chụp ảnh, quay video đăng tải trên mạng thu hút thêm nhiều bạn trẻ khác cùng đến tạo thành trend du lịch. Tôi nghĩ đó là phương thức truyền thông tự thân”.

Bài toán thu hút du khách trẻ tới di tích lịch sử

Các bạn trẻ mặc trang phục truyền thống tại Hoàng thành Thăng Long

Bên cạnh kích thích truyền thông tự thân bà Nguyễn Minh Thu cho biết, Hoàng thành Thăng Long cũng đã triển khai nhiều phương thức truyền thông từ truyền thống như báo chí, áp phích và trên các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok, Youtube…Ngoài ra đơn vị của bà cũng được hỗ trợ truyền thông lớn từ các đơn vị Đài truyền hình và Báo chí.

Đổi mới nhưng vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử, văn hóa

Theo chuyên gia Nguyễn Đình Thành, cần thay đổi cách tiếp cận về các khu di tích lịch sử, không chỉ nên nhìn thấy “phần cứng” mà phải nhìn thấy cả “phần mềm” của di tích là các dịch vụ đi kèm như các khóa học, các tour tham quan theo chủ đề, tour tham quan cho những người có yêu cầu đặc biệt, các sản phẩm lưu niệm, các ấn phẩm, các chương trình văn hóa nghệ thuật theo chủ đề...

“Truyền thông cần phải có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Kênh truyền thông hiện đại ở đây là các kênh truyền thông xã hội (social network) bao gồm các kênh mạng xã hội hình ảnh (Pinterest, Instagram), video (Youtube, Instagram reels, Tiktok, Vimeo), âm thanh (Club house, postcast, post course)....các forum theo chủ đề”, ông Thành chia sẻ.

Cũng theo ông Thành, về nội dung cần được chuẩn bị để phù hợp với từng đối tượng công chúng mục tiêu đặc biệt là với người trẻ tuổi. Về hình thức cần sử dụng text ngắn, video ngắn để dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ lan tỏa. Có thể dùng các hình thức mà giới trẻ yêu thích như hình vẽ đơn giản, vui vẻ, dễ hiểu. Và chú ý đến sự ảnh hưởng lớn của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (gọi là KOLs, KOCs) và tạo điều kiện để họ lan tỏa thông tin.

Còn theo Tiến sĩ Hà Thanh Vân, bà đã đến nhiều khu di tích lịch sử của Việt Nam và thấy rõ ràng có hiện tượng là chỉ có khách Việt cao niên, trung niên và du khách nước ngoài chiếm đa số khi đến tham quan. Các bạn trẻ thì chủ yếu là do trường học hay cơ quan, công ty tổ chức đi theo kiểu phong trào “về nguồn” và đi nhiều khi là miễn cưỡng tham gia.

Bài toán thu hút du khách trẻ tới di tích lịch sử

Các hoạt động tại Hoàng thành Thăng Long được người trẻ nhiệt tình tham gia

“Tôi nghĩ để cho giới trẻ Việt Nam ngày nay hiểu biết hơn, yêu hơn những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc, thì việc đi thực tế, đến tận nơi, chứng kiến tận mắt những khu di tích còn có giá trị hơn là những bài học lý thuyết. Nhưng muốn vậy thì chính bản thân những khu di tích phải thay đổi cách làm truyền thông, sao cho tiếp cận với lớp trẻ dễ dàng hơn”, bà Hà Thanh Vân cho hay.

Tại Hoàng thành Thăng Long ban ngày, có các tour “Chạm vào quá khứ”, tour dành cho học sinh chương trình giáo dục di sản dành cho các cấp học. Buổi tối có tour đêm “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long” dành cho khách Việt Nam và tour riêng cho khách quốc tế. Ngoài ra khu di tích này còn còn tổ chức nhiều những triển lãm như “Từ mặt đất đến bầu trời”, chương trình Tết Việt…

“Các sản phẩm của Hoàng thành Thăng Long được đưa ra, chúng tôi đều dựa trên những giá trị lịch sử tại khu di sản. Ví dụ như Ngoài những chương trình học tập dành cho các em học sinh ra thì chúng tôi cũng tiếp cận thế trẻ bằng cách cho khách thăm quan mặc Việt phục và chụp ảnh tại khu di sản”, bà Nguyễn Minh Thu chia sẻ.

Cần có những hành động thiết thực để thu hút du khách

Để giải quyết bài toán thu hút khách du lịch đến với khu di tích lịch sử, theo Tiến sĩ Hà Thanh Vân: “Giới trẻ bây giờ rất khác với các thế hệ ngày trước bởi vì bây giờ họ phải tiếp nhận một lượng thông tin nhiều hơn các thế hệ trước, trong khi quỹ thời gian thì vẫn vậy, thậm chí còn hạn hẹp hơn và họ có quyền chỉ chọn những thông tin nào mình muốn đọc và cần xem”.

Từ đó theo bà Vân, muốn giới trẻ xem hay đọc thì thông tin phải ngắn gọn, súc tích, hài hước và sinh động, cụ thể. Trong khi đó thông tin của nhiều khu di tích thì viết kiểu khô cứng, không hấp dẫn, như là tường thuật trong sách giáo khoa lịch sử, nên giới trẻ không thích. Nên thay đổi nội dung và cách viết truyền thông cho hợp với thời đại hơn, dĩ nhiên vẫn phải đảm bảo tính xác thực của lịch sử.

“Tiếp đến, thông tin cũng phải được cập nhật, đổi mới thường xuyên bởi có nhiều khu di tích lịch sử sau khi xây dựng Website hay Fanpage đưa nội dung giới thiệu lên là xong, không cập nhật nữa, nhìn vào không bắt mắt, không tạo sự tò mò muốn đến tham quan.

Giới trẻ bây giờ có rất nhiều bạn cũng yêu thích công nghệ, nên cần vận dụng những phương tiện công nghệ hiện đại trong quá trình tham quan: từ máy thuyết minh, phim ngắn, clip minh họa đến mô hình thực tế ảo… để tạo sự hứng khởi cho các du khách trẻ”, bà Vân đề xuất.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, khu di tích lịch sử nên có những sản phẩm lưu niệm phù hợp với giới trẻ vì tâm lý các bạn trẻ thích mua đồ về làm kỷ niệm. Không chỉ vậy, tại khu di tích này, nên có một số điểm tạm gọi là “độc, lạ, có ý nghĩa” để giới thiệu cho các bạn trẻ check in như là một xu hướng phổ biến hiện nay.

Từ những đề xuất trên, Tiến sĩ Hà Thanh Vân cho rằng thông qua những cách làm như vậy, kết hợp với những cách làm truyền thông truyền thống, có thể các bạn trẻ sẽ thích thú đến tham quan, sau đó lan tỏa với nhau, cùng rủ nhau đến với khu di tích.

“Người trẻ nói riêng và người Việt Nam là những người yêu nước, yêu lịch sử chỉ cần có phương thức truyền thông, làm du lịch đúng đắn tôi tin rằng những địa điểm du lịch lịch sử sẽ trở thành nguồn lực lớn góp phần cho sự tăng trưởng du lịch của nước ta. Mong rằng bài toán hóc búa này sẽ sớm được tìm ra lời giải để những khu di tích lịch sử ngày càng thu hút đông đảo khách tham quan”, vị Tiến sĩ nhấn mạnh.

Lê Đình Trung

By: Nguồn www.nguoiduatin.vn

Bài toán thu hút du khách trẻ tới di tích lịch sử - Giải Trí